angle-left null Xác định cơ sở dữ liệu quốc gia và những điểm mới quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia tại Nghị định 47/2020/NĐ-CP
Trang chủ

26/10/2020 13:10

(data.gov.vn) Ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị định 47/2020/NĐ-CP). Trong Nghị định 47/2020/NĐ-CP có quy định một số điểm mới về cơ sở dữ liệu quốc gia, bài viết này sẽ giới thiệu về các quy định đối với cơ sở dữ liệu quốc gia và cùng trao đổi về cách thức tiếp cận xây dựng các CSDLQG

  1. Quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia tại Luật Công nghệ thông tin và Nghị định 64

Điều 58 Luật Công nghệ thông tin có quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia là tập hợp thông tin của một hoặc một số lĩnh vực kinh tế - xã hội được xây dựng, cập nhật và duy trì đáp ứng yêu cầu truy nhập và sử dụng thông tin của các ngành kinh tế và phục vụ lợi ích công cộng. Tổ chức, cá nhân có quyền truy nhập và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nhà nước bảo đảm một phần hoặc toàn bộ kinh phí xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia. Chính phủ quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng, cập nhật và duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia; ban hành quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia.

Nghị định 64/2017/NĐ-CP cũng có quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia tại Điều 11 như sau: (i) Cơ sở dữ liệu quốc gia là tập hợp thông tin của một hoặc một số lĩnh vực kinh tế - xã hội được xây dựng, cập nhật và duy trì đáp ứng yêu cầu truy nhập và sử dụng thông tin của các ngành kinh tế và phục vụ lợi ích xã hội. (ii). Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ trướng Chính phủ ban hành danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia và quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia. (iii) Cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia chịu trách nhiệm ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, khai thác, bảo vệ và duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia đó.

Như vậy, Nghị định 64 cũng có quy định tương tự về nội dung các cơ sở dữ liệu quốc gia như Luật Công nghệ thông tin.

  1. Vướng mắc trong việc xác định các cơ sở dữ liệu quốc gia

Do các nội dung quy định trong Luật Công nghệ thông tin và Nghị định 64 rất tổng quát. Vì vậy việc xác định các cơ sở dữ liệu quốc gia trong thực tế còn nhiều khó khăn và có nhiều cách xác định khác nhau. Một trong các cách xác định cơ sở dữ liệu quốc gia tồn tại hiện có là:

- Cơ sở dữ liệu quốc gia là cơ sở dữ liệu lớn của bộ, ngành có phạm vi toàn quốc. Quan điểm này được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên nếu chỉ theo quan điểm này thì cơ sở dữ liệu của bộ, ngành nào cũng có phạm vi toàn quốc?

- Cơ sở dữ liệu quốc gia là cơ sở dữ liệu được đưa vào các văn bản QPPL với tên là cơ sở dữ liệu quốc gia. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là các văn bản QPPL mới chỉ xác định được tên, chưa xác định nội hàm và phạm vi của cơ sở dữ liệu quốc gia.

- Cơ sở dữ liệu quốc gia là các cơ sở dữ liệu nòng cốt chứa những dữ liệu cơ bản để phục vụ khai thác chung của các bộ, ngành, địa phương và đóng vai trò tham chiếu, đồng bộ cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành địa phương khác.

- Cơ sở dữ liệu quốc gia là cơ sở dữ liệu gốc chứa thông tin đăng ký của người dân, doanh nghiệp...

Các quan điểm trên đều có những điểm hợp lý, tuy nhiên chưa đủ để xác định và dẫn tới việc triển khai, thực thi khác nhau ở các bộ, ngành.

  1. Những điểm mới quy định tại Nghị định 47/2020/NĐ-CP về cơ sở dữ liệu quốc gia

Khoản 3, Điều 12 của Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia phải đáp ứng một số các yêu cầu nhất định khi đưa vào danh mục các cơ sở dữ liệu quốc gia. cơ sở dữ liệu quốc gia được xác định qua phạm vi dữ liệu được lưu trữ và quản lý trong cơ sở dữ liệu. Căn cứ trên các quy định này, việc xác định phạm vi dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia cần lưu ý một số điểm sau:

- Cơ sở dữ liệu quốc gia cần xác định rõ phạm vi dữ liệu quốc gia đáp ứng khoản 3 Điều 12 của Nghị định. Trong trường hợp một hệ thống thông tin quản lý cả phần dữ liệu quốc gia và phần dữ liệu của bộ, ngành thì Cơ sở dữ liệu quốc gia chỉ xác định với phạm vi dữ liệu quốc gia.

- Dữ liệu đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia đảm bảo chính xác so với văn bản giấy của cơ quan nhà nước đã cung cấp (nếu có). Dữ liệu có tính pháp lý cao nhất trong các cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước. Khi các cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương có sự sai khác với cơ sở dữ liệu quốc gia thì phải được cập nhật theo cơ sở dữ liệu quốc gia. (Dữ liệu cuối cùng sau khi hoàn thành các thủ tục hành chính).

- Cơ sở dữ liệu quốc gia phải có quy trình thu nhận dữ liệu, cập nhật rõ ràng để đảm bảo được tính pháp lý tương đương với văn bản giấy. Việc thu nhận, cập nhật phải được quản lý chặt chẽ và có khả năng truy vết quá trình cập nhật để xác định sự sai khác khi có sự không thống nhất sảy ra.

- Cơ sở dữ liệu quốc gia phải chứa dữ liệu chủ của Chính phủ. Việc xác định dữ liệu chủ qua các đối tượng thực thể nghiệp vụ cốt lõi và độc lập (ví dụ các đối tượng thực thể nghiệp vụ: người dân, doanh nghiệp, tổ chức, thửa đất...). Các đối tượng thực thể có thuộc tính giới hạn và đảm bảo yếu tố dùng chung cho các cơ quan nhà nước các cấp. Các cơ sở dữ liệu bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo tham chiếu thống nhất đến dữ liệu chủ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia cả về cấu trúc (các trường dữ liệu, kiểu dữ liệu, ràng buộc phạm vi dữ liệu) và nội dung dữ liệu (một thực thể trên thực tế được thu nhận bằng dữ liệu trong cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương phải tương đương 1-1 trong cơ sở dữ liệu quốc gia).

- Cơ sở dữ liệu quốc gia được xác định với mục đích chia sẻ, sử dụng cho nhiều bộ, ngành, địa phương phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

- Cơ sở dữ liệu quốc gia không chứa các dữ liệu: phục vụ nghiệp vụ tạm thời, dữ liệu giao dịch, dữ liệu trung gian trong quá trình thực hiện các hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước hoặc phục vụ riêng cho một hệ thống, phần mềm, ứng dụng cụ thể.

- Cần phân cấp rõ phạm vi cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu bộ, ngành, địa phương có liên quan theo thứ bậc phân cấp để đảm bảo tính tham chiếu, hạn chế chồng lấn và kiểm soát quá trình cập nhật dữ liệu.

Mỗi cơ sở dữ liệu quốc gia phải xác định một số hữu hạn loại đối tượng thông tin chính, nổi bật sẽ được xây dựng trong cơ sở dữ liệu quốc gia.

  1. Cơ sở dữ liệu nào là cơ sở dữ liệu quốc gia

Khoản 5, Điều 11  của Nghị định xác định Dữ liệu về dân cư, đất đai, doanh nghiệp là dữ liệu cơ bản làm nền tảng phát triển chính phủ điện tử. Vì vậy, Chính phủ sẽ có ít nhất 3 cơ sở dữ liệu quốc gia chứa ba loại dữ liệu là dân cư, đất đai và doanh nghiệp. Trên thực tế, Chính phủ đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về đang ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.

Mối quan hệ cơ bản đối với các phần tử dữ liệu thuộc danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển CPĐT:

 

Ngoài ba cơ sở dữ liệu này, việc xác định cơ sở dữ liệu quốc gia thực hiện đánh giá theo từng cơ sở dữ liệu cụ thể đáp ứng các yêu cầu được quy định tại Nghị định 47/2020/NĐ-CP và thực hiện trong quá trình lập danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia.

Khoản 1 Điều 55 của Nghị định quy định “Chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt có trách nhiệm rà soát và thực hiện gửi các thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Nghị định này trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực về Bộ Thông tin và Truyền thông để Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng danh mục các cơ sở dữ liệu quốc gia trình Chính phủ phê duyệt”.

Vì vậy, các bộ, ngành được giao là chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia phải thực hiện: rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương về việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, bao gồm cả việc rà soát danh mục Cơ sở dữ liệu quốc gia đã được ban hành tại Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Đối chiếu với các quy định tại khoản 3, Điều 12 của Nghị định để xác định dữ liệu, cơ sở dữ liệu được xếp vào vào loại cơ sở dữ liệu quốc gia. Xây dựng và gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông thuyết minh đề xuất cơ sở dữ liệu quốc gia theo nội dung tại khoản 2, Điều 12 của Nghị định để Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp trình Chính phủ ban hành danh mục các cơ sở dữ liệu quốc gia.

  1. Nội dung thuyết minh cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm những gì?

Nội dung thuyết minh gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp để trình Chính phủ ban hành danh mục thực hiện theo khoản 2, Điều 12 của Nghị định như sau:

- Tên cơ sở dữ liệu quốc gia.

- Mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia: Mục tiêu bám sát vào các quy định của pháp luật bao gồm:

+ Khái niệm về cơ sở dữ liệu quốc gia tại Điều 58 Luật công nghệ thông tin

+ Các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan đề cập đến cơ sở dữ liệu quốc gia.

+ Mục tiêu đảm bảo sự thống nhất giữa nhiều cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương đối với dữ liệu chủ được quy định trong cơ sở dữ liệu quốc gia

+ Nêu rõ định hướng giải quyết thủ tục hành chính, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp mà cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ thực hiện.

- Phạm vi dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia: nêu rõ đối tượng dữ liệu chủ, các trường tin chính của dữ liệu chủ; dữ liệu khác nếu có.

- Đối tượng và mục đích sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia: nêu rõ từng đối tượng sử dụng và mục đích sử dụng của từng đối tượng.

- Nguồn thông tin sẽ xây dựng và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia: nêu rõ từ thu thập, thủ tục hành chính, hồ sơ; từ cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương nào...

- Phương thức chia sẻ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia: bắt buộc chia sẻ theo mặc định đối với dữ liệu chủ (khoản 1, Điều 34), các dữ liệu khác (nếu có) dữ liệu nào chia sẻ theo mặc định, dữ liệu nào chia sẻ theo yêu cầu đặc thù.

  1. Hoàn thiện khung pháp lý về cơ sở dữ liệu quốc gia?

  Từng cơ sở dữ liệu quốc gia được quy định một số nội dung sau tại văn bản từ cấp nghị định trở lên:

Quy định rõ vị trí, vai trò của cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử thông qua cung cấp các dịch vụ dữ liệu dùng chung cho các Bộ, ngành, địa phương;

Quy định rõ đặc tính, phạm vi dữ liệu của cơ sở dữ liệu quốc gia để phân biệt với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành cùng được quản lý bởi Bộ, ngành chủ quản (phân loại cơ sở dữ liệu được quy định tại Điều 58, Điều 59 Luật Công nghệ thông tin);

Xác định phạm vi dữ liệu của cơ sở dữ liệu quốc gia bằng việc quy định chi tiết các trường dữ liệu, mục tin có trong cơ sở dữ liệu quốc gia;

Quy định cách thức xây dựng, thu thập, cập nhật, duy trì, kết nối, chia sẻ và khai thác sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia;

Quy định nguyên tắc chia sẻ và kết nối các hệ thống thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia để khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và kiến trúc chính phủ điện tử của các Bộ, kiến trúc chính quyền điện tử của các địa phương;

Quy định về đối tượng kết nối khai thác dữ liệu, trình tự, thủ tục kết nối các hệ thống thông tin trong cơ quan nhà nước với cơ sở dữ liệu quốc gia để khai thác, trao đổi dữ liệu;

Quy định quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan chủ quản các cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc xây dựng, quản lý, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia;

Quy định giá trị pháp lý của dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia, giá trị sử dụng dữ liệu khi khai thác từ cơ sở dữ liệu quốc gia trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của các Bộ, ngành, địa phương; giá trị sử dụng thay thế các văn bản, giấy tờ của các cơ quan tổ chức, cá nhân khi tham gia các thủ tục hành chính.

  1. Các cơ sở dữ liệu quốc gia đã được quy định tại Ban hành kèm theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử

STT

cơ sở dữ liệu quốc gia

Cơ quan chủ quản

Mô tả vắn tắt

1

Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư

Bộ Công an

Thông tin gốc về người dân phục vụ quản lý hành chính và cư trú, hộ tịch và sử dụng chung giữa các cơ quan nhà nước; đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến người dân

2

Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thông tin về sử dụng đất đai

3

Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Bộ Kế hoạch và đầu tư

Lưu trữ thông tin cơ bản về doanh nghiệp, phục vụ: Quản lý và chia sẻ, sử dụng chung giữa các cơ quan nhà nước; đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp.

4

Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính

Bộ Tài chính

Thông tin cơ bản về tài chính, ngân sách như Thu/chi ngân sách nhà nước; nợ công, vốn nhà nước tại doanh nghiệp

5

Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm

Bảo hiểm xã hội Việt nam

Thông tin cơ bản về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội

 


Tin xem nhiều

placeholder image

Các câu hỏi để kiểm tra mức độ an toàn khi chia sẻ dữ liệu